Thứ Hai, 22 tháng 4, 2019

Nhiễm virus thai kỳ

Nhiễm các loại virus khi mang thai là một tình trạng rất hay xảy ra đối với các sản phụ nếu có tiếp xúc với nguồn bệnh. Trong đó, nhiễm rubella khi mang thai là một tình trạng nguy hiểm cần được quan tâm. Vậy nhiễm rubella nguy hiểm như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây.
1. Thế nào là nhiễm Rubella?
Rubella hay còn được biết đến với tên gọi Sởi Đức, là bệnh truyền nhiễm do tác nhân là virus Rubella gây nên. Đây là một bệnh cảnh nhiễm virus cấp tính được lây truyền sang người lành từ người bệnh hay người mang virus nhưng không biểu hiện bệnh hoặc lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh thường không biểu hiện ngay khi có sự xâm nhập của virus vào cơ thể bệnh nhân mà cần trải qua một thời gian ủ bệnh kéo dài từ 12-23 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Khi trải qua giai đoạn ủ bệnh này, bệnh sẽ biểu hiện ra ngoài bởi các triệu chứng khá đặc trưng như:
- Sốt:
Sốt trong nhiễm Rubella thường là sốt nhẹ khoảng 38 độ C, sốt kéo dài từ 1-4 ngày đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu.
- Nổi hạch, sưng khớp:
Nổi hạch sưng khớp là triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân nhiễm Rubella. Đối với nổi hạch trong nhiễm Rubella thường gặp ở các hạch vùng chẩm, các hạch ở bẹn, cổ khi ấn các hạch sưng này bệnh nhân cảm thấy hơi đau. Còn sưng khớp trong Rubella chủ yếu gặp ở các khớp ngón tay, cổ tay, gối, …
Nổi hạch và sưng khớp trong Rubella đều là các triệu chứng cấp tính diễn ra trong thời gian bệnh toàn phát và sau đó sẽ dần mất đi mà hầu như không để lại di chứng.
- Phát ban:
Phát ban trong nhiễm Rubella được coi là triệu chứng điển hình và dễ nhận biết nhất, có giá trị quan trọng trong chẩn đoán bệnh. Ban nổi trong nhiễm Rubella bắt đầu từ đầu, mặt, sau đó lan dần rộng ra khắp toàn thân, ban nổi không theo thứ tự. Ban phát toàn thân chỉ sau 24h, sau đó tự bay hết trong 2-3 ngày. Khi ban bay hết không để lại dấu vết như ban sởi.
2. Những đối tượng nào dễ bị nhiễm Rubella?
Theo nguyên nhân gây bệnh và các nghiên cứu khoa học về nhiễm Rubella chỉ ra, tất cả các đối tượng đều có nguy cơ nhiễm Rubella. Nhưng có một số nhóm đối tượng có mức nguy cơ cao hơn hẳn, có thể kể đến như:
- Các đối tượng chưa được chích ngừa, chưa có miễn dịch tự nhiên:
Kể đến đầu tiên là các đối tượng chưa được chích ngừa, hay chưa có miễn dịch tự nhiên là các đối tượng dễ dàng nhiễm virus Rubella. Các đối tượng này do không có miễn dịch đối với virus Rubella tồn tại trong cơ thể, nên khi có sự tấn công của virus Rubella cơ thể sẽ không thể chống chọi và nhiễm bệnh.
- Các đối tượng làm việc, công tác tại các môi trường công cộng:
Những người làm việc trong các môi trường công cộng như trường học, bệnh viện, … là nơi tập trung khả năng cao có xuất hiện người nhiễm virus Rubella. Bên cạnh đó việc Virus Rubella có khả năng lây nhiễm qua đường không khí khi người bệnh ho, hắt xì càng khiến cho khả năng nhiễm virus Rubella của các đối tượng này tăng lên.
- Những người sống trong vùng có dịch Rubella:
Giống như nhóm đối tượng làm việc tại các môi trường công cộng, những người sống trong vùng có dịch Rubella cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao khi xác suất tiếp xúc với nguồn bệnh là rất lớn.
3. Nhiễm Rubella ảnh hưởng như thế nào với em bé?
Mặc dù nhiễm Rubella không gây ảnh hưởng quá nhiều đối với bản thân sản phụ, nhưng lại gây rất nhiều những ảnh hưởng, di chứng xấu tới sức khỏe thai nhi. Những nguy cơ có thể xảy ra đối với sức khỏe thai nhi khi mẹ bị nhiễm Rubella khi mang thai kể đến như:
- Sinh non, sẩy thai:
Sinh non, sẩy thai là những hậu quả nặng nề nhất của nhiễm virus Rubella gây ra đối với thai nhi khi mẹ bị nhiễm. Thời gian nhiễm virus của mẹ càng nằm ở giai đoạn đầu của thai kỳ, đặc biệt là trong ba tháng đầu mang thai, khả năng sảy thai càng lớn.
- Dị tật thai nhi:
Dị tật thai nhi khi mẹ bị nhiễm virus Rubella là hậu quả hay gặp nhất. Do đó, theo dõi thai nhi thường xuyên sau khi mẹ có nhiễm virus Rubella là điều luôn được chú trọng để có thể phát hiện sớm các bất thường xảy ra ở thai nhi. Thông thường, mức độ dị tật thai nhi khi mẹ nhiễm virus Rubella phụ thuộc vào thời gian nhiễm của mẹ nằm trong giai đoạn nào của thai kỳ.
Thai dưới 12 tuần: Khi mẹ bị nhiễm Rubella ở dưới tuần thứ 12 của thai kỳ, tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh ở trẻ rất cao lên đến 85%. Mức độ dị tật của thai nhi nếu mẹ nhiễm virus trong thời gian này thường là các dị tật nặng, do thai đang ở giai đoạn cấu tạo nên các cấu trúc của cơ thể.
Thai từ 12-16 tuần: Mẹ nhiễm Rubella khi đang có thai ở giai đoạn từ 12-16 tuần có tỷ lệ dị tật giảm bớt so với khi nhiễm dưới 12 tuần, tỷ lệ này nằm ở mức khoảng 54% các trường hợp thống kê. Đồng thời mức độ dị tật cũng giảm nhẹ đáng kể.
Thai lớn hơn 20 tuần: Khi mẹ bị nhiễm Rubella ở tuần thứ 20 trở đi, tỉ lệ dị tật thai nhi chỉ còn rất nhỏ, do ở trong giai đoạn này cơ bản các cấu trúc của cơ thể thai nhi đã hoàn thiện về mặt hình thái. Nên khi đó sự tấn công của virus Rubella rất khó để gây dị tật thai nhi.
4. Phương cách lây nhiễm của virus Rubella:
Virus Rubella có nhiều cách khác nhau để có thể truyền từ vật chủ là người mang virus sang người lành để lây bệnh. Virus có thể xuất phát từ người mang thông qua các chất tiết như nước bọt, nước mũi khi người mang virus hắt xì, ho hay nói chuyện, hoặc cũng có thể là từ nước tiểu lây đến người lành.
5. Làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm virus Rubella?
Để có thể phòng tránh lây nhiễm Rubella, đặc biệt là đối với các sản phụ đang mang thai cần chú ý những điều sau:
- Nên chích ngừa virus Rubella:
Chích ngừa virus Rubella là biện pháp để tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể. Bằng cách này có thể hạn chế khả năng nhiễm virus Rubella xuống đến mức thấp nhất. Nếu là các sản phụ có ý định sinh con nên có thai sau ít nhất 28 ngày sau khi chích.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Rubella:
Do người nhiễm virus Rubella có khả năng bài tiết ra các dịch có chứa rất nhiều virus. Nên do đó, cần hạn chế tiếp xúc với các đối tượng nhiễm Rubella đến khi đối tượng đã điều trị khỏi bệnh.
- Không đi du lịch ở những vùng có dịch:
Không đi du lịch ở những vùng có dịch cũng là cách để giảm nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh, từ đó hạ thấp khả năng nhiễm Rubella. Nếu có di chuyển đến khu vực đang có dịch, tốt nhất nên sử dụng khẩu trang, mặt nạ y tế khi ra ngoài để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
6. Nên làm gì khi phát hiện đã nhiễm Rubella?
Khi cơ thể có các triệu chứng của nhiễm Rubella, sản phụ cần làm ngay những điều sau:
- Đến khám tại cơ sở y tế:
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của nhiễm Rubella khi có thai trên cơ thể, sản phụ nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm để đưa ra kết quả chính xác. Không nên tự ý điều trị tại nhà.
- Quyết định chấm dứt thai kỳ nếu nhiễm quá sớm:
Nếu sản phụ bị nhiễm Rubella quá sớm trong thai kỳ, nên suy nghĩ đến chấm dứt thai kỳ ngay lập tức. Bởi việc nhiễm Rubella quá sớm để lại rất nhiều những dị tật nặng nề, gây ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của em bé về sau nếu có được sinh ra.
Nhiễm Rubella khi mang thai để lại rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe về sau, đặc biệt là các dị tật rất hay xảy ra. Do đó, để hạn chế những nguy hiểm mà virus Rubella mang đến, việc cần thiết nhất chính là tăng cường các biện pháp phòng ngừa như tiêm vacxin, tránh tiếp xúc nguồn bệnh, …và nên đi khám ngay khi có các triệu chứng xảy ra để có hướng xử trí thích hợp.

PHÒNG KHÁM SẢN PHỤ KHOA
BSCKI: HUỲNH THÚY LAN- BV HÙNG VƯƠNG.
Địa chỉ: 29/5B Trần Thái Tông, P15, Q.Tân Bình.
Điện thoại: 0946264488
Email: drlanbvhv@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét